Mỏng manh ngành giấy Việt Nam
Năm nay, sản lượng giấy tăng, lượng tồn kho lớn, lại phải cạnh tranh gay gắt với giấy nhập ngoại, nhu cầu tiêu dùng lại giảm khiến cho ngành giấy càng thêm “mong manh”. |
Việt Nam luôn thiếu nguyên liệu bột giấy và phải nhập một lượng lớn bột giấy với giá rất cao. Trong khi đó, các loại gỗ bạch đàn, keo – nguyên liệu lý tưởng để sản xuất bột giấy được nhiều nơi trồng với diện tích ngày càng tăng nhưng chỉ để băm dăm rồi bán với giá rẻ mạt.
Xuất dăm gỗ đi, nhập bột giấy về
Giấy và các sản phẩm từ giấy của Việt Nam đã xuất khẩu sang 18 nước trên thế giới (trong đó Mỹ là thị trường chính, các thị trường lớn là Đài Loan, Nhật Bản…). Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ngành giấy đạt 425 triệu USD, nhưng chỉ bằng 1/3 so với kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này (cả nước đã nhập khẩu 1,216 triệu tấn giấy các loại với trị giá 1,164 triệu USD).
Theo ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), thời gian gần đây, năng lực sản xuất bột giấy của Việt Nam tăng rất nhanh. Sản lượng bột giấy sản xuất trong nước năm 2010 đạt 345.900 tấn; năm 2011 đạt 373.400 tấn. Năm 2012, sản lượng bột giấy nước ta thiết lập mức tăng trưởng khủng, cao hơn 30% so với năm 2011, đạt tới 484.300 tấn. Tuy nhiên, với khối lượng này mới đáp ứng được một nửa nhu cầu cho ngành sản xuất giấy.
Việt Nam có lợi thế là tài nguyên rừng trù phú, có thể phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp giấy, nhưng cho đến nay, lợi thế này vẫn chưa được phát triển hiệu quả. Dăm gỗ bạch đàn và gỗ keo lai, nguyên liệu thô trong ngành giấy lại gần như chỉ dùng cho… xuất khẩu.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vietfores), cho biết xuất khẩu dăm gỗ đã tăng trưởng quá nóng trong vòng một thập kỷ vừa qua. Năm 2001, cả nước chỉ xuất khẩu 400.000 tấn dăm gỗ nhưng đến năm 2011 đã xuất tới 5,4 triệu tấn, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới. Năm 2012, xuất khẩu dăm gỗ tuy giảm, nhưng vẫn đạt 3 triệu tấn dăm khô.
Việc phát triển một cách ồ ạt các nhà máy chế biến dăm gỗ, thiếu quy hoạch, đã dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”. Hậu quả là giá dăm gỗ ngày càng sụt giảm. Năm 2011, mỗi tấn dăm gỗ có giá bình quân khoảng 138 – 140 USD, thời điểm này chỉ khoảng 110 USD/tấn. Nhiều nhà xuất khẩu rơi vào tình cảnh thua lỗ, dẫn tới phá sản vì bí đầu ra.
Nghịch lý là ở chỗ, các nước mua nguyên liệu dăm của Việt Nam, rồi sản xuất ra giấy thành phẩm hoặc bột giấy, sau đó bán trở lại Việt Nam với giá cao. Giá xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm vừa qua chỉ khoảng 110 – 120 USD/tấn trong khi giá nhập khẩu bột giấy ở mức trung bình 900 – 1.000 USD/tấn.
Để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, ngành sản xuất giấy của Việt Nam phát triển mạnh lĩnh vực tái chế giấy. Tỷ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng dùng làm nguyên liệu trong tổng nguyên liệu sản xuất giấy ở Việt Nam là 70%. Gần 100% giấy bao bì, 90% giấy tissue và 60% giấy in báo đều làm từ giấy tái chế. Mặc dù, tổng cầu giấy không ngừng tăng lên qua từng năm nhưng các doanh nghiệp trong nước phải chịu sức ép nặng nề khi phải cạnh tranh với sản phẩm giấy ngoại nhập giá rẻ tràn lan trên thị trường. Dự báo, trong năm nay, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng giấy (gồm các loại giấy in, giấy viết, giấy bao bì công nghiệp dùng đóng gói hàng hóa) tại thị trường Việt Nam sẽ giảm, làm tăng tỷ lệ tồn kho của ngành giấy.
Chấn chỉnh quy hoạch ngành
Tính đến ngày 31/12/2012, các doanh nghiệp thuộc VPPA còn tồn kho 17.000 tấn giấy, tăng 27% so với thời điểm cuối năm 2011. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, sau 2 tháng đầu năm 2013, lượng giấy tồn kho đã tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Công Thương dự báo, sản lượng giấy trong nước năm 2013 dự kiến sẽ đạt 2,18 triệu tấn giấy các loại, tăng 17,7% so với năm 2012.
Ông Vũ Thanh Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam, cho biết: việc sụt giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận… không đạt mục tiêu đề ra diễn ra ở hầu hết các công ty con, công ty liên kết của tổng công ty như Công ty Giấy Tân Mai, Công ty Giấy Bãi Bằng…
Theo VPPA, cần có chính sách thúc đẩy sự phát triển hài hòa giữa giấy và bột giấy để giành thế chủ động trong sản xuất kinh doanh giấy, nhất là khi thị trường thế giới biến động mạnh. Nhà nước cần coi cây cung cấp nguyên liệu giấy là cây công nghiệp để có chính sách hỗ trợ hợp lý. Có chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư tín dụng, vốn ODA để phát triển vùng nguyên liệu, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy.
Ngành sản xuất giấy có đặc thù riêng về công nghệ, dây chuyền thiết bị, vì vậy, trong thời gian tới cần rà soát lại và chấn chỉnh việc thực hiện quy hoạch ngành giấy, tránh tình trạng đầu tư thiếu khoa học. Nhà nước cũng cần xây dựng hàng rào kỹ thuật về công nghệ nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường.
Nhà nước nên miễn thuế cho hoạt động thu gom, buôn bán giấy đã qua sử dụng, giấy loại; xây dựng chính sách cụ thể về hoạt động thu gom, tái chế, sử dụng từ giấy loại; khuyến khích các cơ quan nhà nước sử dụng giấy sản xuất trong nước. Đồng thời, cần sớm ban hành quy định chỉ sử dụng giấy có độ trắng 82 – 85 ISO đối với sách học tập, vở, giấy văn phòng để hạn chế sử dụng chất tẩy trong ngành công nghiệp giấy.
(Theo Vietpaper)